(Link nguồn: http://news.zing.vn/Nhung-chuyen-chua-biet-ve-to-pho-khong-lo-o-Sai-Gon-post491108.html)
Chứng kiến người Sài Gòn “dám” ăn cùng lúc 4 tô phở, đơn vị tổ chức cuộc thi cho biết, sẽ mang tô phở này xuất ngoại, và đây sẽ là điểm nhấn để khách quốc tế nhớ đến phở Việt.
Phở Ông Hùng chính là phở Hùng
Giữa lúc chuyện tranh chấp thương hiệu phở Hùng đang ồn ào, một thương hiệu na ná như vậy là phở Ông Hùng xuất hiện khiến không ít người thắc mắc, nghi ngờ. Ông Huy Nhật, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành công ty TNHH cổ phần thực phẩm Huy Việt Nam, đơn vị chủ quản của chuỗi phở này, đã làm nhiều người bất ngờ: Thực tế phở Ông Hùng chính là phở Hùng.
Ông Nhật cho biết, mình đến với chuỗi phở này như một cái duyên. Là đơn vị chuyên làm chuỗi nhà hàng, quán ăn, nên ông không bất ngờ khi đích thân người sáng lập phở Hùng, ông Tien Tony (Tiền Kim Thành), tìm và đề nghị duy trì, phát triển thương hiệu này. Chúng tôi được sở hữu thương hiệu, công thức nấu phở. “Lúc đó anh Thành chỉ quản lý 1 cửa hàng ở đường Nguyễn Thị Nghĩa, quận 1, TP.HCM. Anh Thành đích thân nấu phở cho chúng tôi ăn. Và không chỉ tôi, tất cả thành viên công ty đều cùng ồ lên: ‘quá ngon’, không có lý do gì chúng tôi không đầu tư cả”, ông Nhật kể.
Khá nhiều nội quy khách phải đồng ý và xác nhận trước khi tham gia chinh phục tô phở khổng lồ. Ảnh: Zen Nguyễn |
Không tiết lộ số tiền bỏ ra để sở hữu thương hiệu, hình ảnh người sáng lập ra vị phở Hùng, nhưng theo nhiều thông tin, đơn vị này phải chi số tiền trên 7 tỷ đồng.
Chuyện đặt tên thương hiệu, theo vị CEO này còn căng thẳng hơn chuyện quyết định đi…bán phở. “Đủ tên hay, ấn tượng, nhưng tôi đều thấy không phù hợp. Rồi chợt nghĩ, cùng là Việt kiều quen biết nhau, chúng tôi vẫn hay quen gọi ông chủ phở này là ông Hùng, theo tên ông đặt cho cửa hàng phở, tại sao không lấy luôn tên này để đặt cho chuỗi nhà hàng mới.
Và vì được sở hữu công thức, hình ảnh của người khai sinh phở Hùng, nên chúng tôi quyết định lấy hình ảnh của ông Tien Tony để trên bản hiệu, logo của phở Ông Hùng, để mọi người biết và nhớ, cũng như một cách vinh danh người có công tạo ra vị phở này. Tại các nhà hàng phở của chúng tôi đều có câu chuyện kể rất rõ về nguồn gốc để khách quan tậm có thể tham khảo”.
Vì sao tô phở khổng lồ xuất hiện?
Nhà hàng đầu tiên đi vào hoạt động tháng 9/2014, đến nay hệ thống này chuẩn bị khai trương chi nhánh thứ 14. Ông Nhật chia sẻ, quyết định kinh doanh chuỗi nhà hàng phở, chúng tôi luôn nghĩ đến việc phải tạo điều gì đó khác biệt, ấn tượng để khách nhớ. Tham khảo rất nhiều nơi, họ quyết định chọn học cách làm của nhà hàng I Luv Pho ở Georgia, Hoa Kỳ, với tô phở Việt có tên “Hàng không mẫu hạm”. Tuy nhiên, để phù hợp trong điều kiện Việt Nam, đơn vị này đã gia giảm, điều chỉnh lại nguyên liệu.
“Ban đầu tôi nấu phở và huy động bạn bè, người thân ăn, xem sức một người có thể ăn hết bao nhiêu để định lượng tô phở sẽ mang ra cho khách chinh phục. Khá nhiều người ăn hết 3 tô; 3 tô rưỡi cũng nhiều người vượt qua, nhưng 4 tô thì rất ít người ăn hết. Thế là chúng tôi quyết định làm tô phở khổng lồ mang ra ‘thách đố’ với khách có trọng lượng bằng 4 tô phở đặc biệt bán tại nhà hàng. Khách thắng thì được giải thưởng 1 triệu đồng, nếu thua thì trả lại cho chúng tôi chi phí tô phở 200.000 đồng”, ông Nhật kể.
Khá nhiều người trẻ thử thách bản thân với tô phở khổng lồ bằng với trọng lượng của 4 tô phở bình thường. Ảnh: Zen Nguyễn |
Cũng theo vị này, khi đưa ra hình thức “thách đố” trên, không ai nghĩ sẽ có nhiều người thử sức, nên chỉ đặt mua số lượng tô hạn chế, đủ cho mỗi chi nhánh lớn 3 tô, chi nhánh nhỏ 2 tô. Không ngờ khách tham gia quá đông khiến đơn vị cuống cuồng đặt hàng, gom tại nhiều cửa hiệu gốm sứ mới có thêm 50 chiếc tô cho mỗi chi nhánh.
“Tôi cũng không nghĩ nhiều người thắng đến vậy. Ngoài đàn ông còn có phụ nữ thắng, cũng vì vậy mà có nhiều người đến cửa hàng với mục đích thi thố, kiếm tiền chứ không phải với ý nghĩa vui vẻ, giải trí như ban đầu. Thú thật là tôi đã phải sửa lại luật chơi theo kiểu tăng độ khó. Như giảm thời gian ăn từ 60 phút xuống 45 phút. Giải thưởng là 1 triệu tiền mặt trước đây còn 500.000 đồng, số còn lại là voucher. Đây không phải là gây khó khăn cho khách mà mục đích là giảm sự hấp dẫn, để người tham gia vui vẻ thật sự, thử thách khả năng của mình chứ không phải thi thố vì tiền”.
Được biết, hiện đã có 2.300 người tham gia thi, trong đó có khoảng 250 người thắng cuộc. Ông Nhật cho rằng, việc thắng, thua ở đây không phải mục đích, mà chính là để khách vui vẻ, giải trí, có cơ hội trải nghiệm bản thân. Rất nhiều khách đến đăng ký thi, nhưng rồi họ chia nhau cùng bạn bè, gia đình ăn chung tô phở khổng lồ này rất vui vẻ, sau đó quảng bá cho nhiều khách hàng khác.
Khá nhiều người dân TP.HCM đã chinh phục thành công tô phở khủng. Ảnh: Zen Nguyễn |
Mục tiêu là càng nhiều người thắng càng tốt. Chúng tôi xây dựng quỹ giải thưởng 1 tỷ đồng, đồng nghĩa với 1.000 người thắng cuộc. Đừng nghĩ chúng tôi kiếm lợi nhuận trong tô phở 200.000 đồng này. Mà đây là cách đầu tư để quảng bá thương hiệu, lợi nhuận sẽ đến trong tương lai. Ví dụ trong 1.000 người tham gia thi, có 10% thắng thì tôi chi 100 triệu giải thưởng, nhưng 1.000 người thua tôi thu 200 triệu. Số lời 100 triệu này phải chi cho rất nhiều chi phí, từ nguyên liệu, đầu như, nhân lực…“Bạn thử tưởng tượng nồi phở bạn nấu 100 tô phục vụ 100 khách sẽ khác với nồi 400 tô nhưng chỉ có 100 khách thế nào”, ông Nhật nói thêm.
Dù chiến lược marketing để quảng bá thương hiệu này không lạ với thế giới, nhưng là hình thức lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Ngoài đưa lợi ích trực tiếp đến người tiêu dùng, cách làm này còn tạo một tâm lý vui vẻ nhưng ấn tượng, để khách hàng nhớ đến sản phẩm. Vị CEO này còn cho biết, sau khi hoàn thiện chuỗi nhà hàng phở ở Việt Nam, thương hiệu phở của doanh nghiệp này sẽ xuất ngoại. Khi đó, tô phở khổng lồ này cũng sẽ được mang theo, và sẽ là dấu ấn để khách quốc tế nhớ khi nghĩ đến phở Việt.
(Theo Zing)